Tác phẩm Girolamo_Maiorica

Quá trình khảo cứu tác phẩm

Các sử gia đã đề cập tới những công trình của Maiorica ngay từ giữa thế kỷ 17. Không lâu sau khi ông mất, hai ấn phẩm chính thức của Dòng Tên vào khoảng năm 1660–1673 và năm 1676 cũng liệt kê các sách ông viết. Trong gần ba trăm năm sau đó, rất ít thông tin mới về ông được các học giả phương Tây biết đến. Philiphê Bỉnh (Felippe do Rosario), một linh mục Dòng Tên người Việt sống những thập niên cuối cùng của đời mình ở Lisboa, đã cung cấp thêm những thông tin quan trọng về các văn bản của Maiorica. Ngoài chúng ra, không có chi tiết mới nào xuất hiện cho tới giữa thế kỷ 20.

Một dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu về Maiorica diễn ra vào năm 1951 khi nhà sử học Dòng Tên Georg Schurhammer đăng một bài viết liên quan tới ba tác gia Kitô giáo thời tiên khởi tại Việt Nam: Maiorica, João Ketlâm (Gioan Thanh Minh) và Felippe do Rosario (Philiphê Bỉnh).[12] Tuy nhiên ông lại không biết rằng có những tác phẩm của Maiorica vẫn còn tồn tại.

Bài khảo cứu của Schurhammer đã truyền cảm hứng cho nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn khi đó đang ở châu Âu. Ông đã đọc bài viết này và tình cờ gặp được một bộ văn thư mà ông coi rất có thể là của Maiorica. Công bố này liền gây xôn xao giữa các học giả Việt Nam và vài người đã sao chép những văn bản vừa được tái phát hiện đó để phiên âm ra chữ Quốc ngữ và phổ biến chúng. Trong nửa thế kỷ qua đã có những tiến triển trong việc xác định, bảo tồn, chuyển tự và xuất bản các tác phẩm của Maiorica, từng được cho là đã thất truyền hoàn toàn.[13]

Chi tiết về các tác phẩm

Maiorica được cho là tác giả chính biên soạn 45 hoặc 48 tác phẩm chữ Nôm.[3][14] Từ những trao đổi thư tín đương thời của các tu sĩ Dòng Tên và từ chính bản văn, có thể thấy rõ các tác phẩm này được viết với sự cộng tác của các tín hữu người Việt. Hầu hết trong số đó là những người dạy giáo lý được gọi là thầy giảng, họ là những người có chữ nghĩa và thường có địa vị trong cộng đồng trước khi cải sang Kitô giáo.[15] Các tác phẩm của Maiorica có thể chia thành 4 thể loại cơ bản: sách truyện hạnh thánh, phỏng tác kinh thánh, sách giảng thuyết, và sách giáo lý. Nhìn chung đây đều là văn xuôi, ngoại trừ một số phần là kinh cầu nguyện viết theo các thể văn vần.[16] Ông phiên dịch, phóng tác hoặc sáng tác dựa trên nhiều nguồn khác nhau: các văn thư chính thức của Giáo hội (như Kinh thánh Vulgata, Sách lễ Rôma), công trình của các Giáo Phụ, cuốn Tổng luận Thần học của Thánh Tôma Aquinô, tác phẩm của các tu sĩ Dòng Tên, và các sách cùng với truyền khẩu về hạnh thánh.[17]

Hiện nay chỉ còn tìm thấy 15 tác phẩm của Maiorica gồm 4.200 trang, tổng cộng 1.200.000 chữ Nôm,[10][18] đa số được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris.[14]

  • Thiên Chúa thánh giáo khải mông 天主聖教啟蒙 (1623[19]) – phỏng theo sách giáo lý tiếng Ý của Thánh Bellarmino
  • Ông Thánh I-na-xu truyện 翁垩⾐那枢傳 (1634)
  • Các Thánh truyện 各聖傳 (1646)
  • Truyện Chúa Giê-su 傳主支秋 – phỏng theo các sách Phúc Âm
  • Thiên Chúa thánh mẫu 天主聖母
  • Dọn mình trước chịu Cô-mô-nhong
  • Thiên Chúa thánh giáo hối tội kinh 天主聖敎悔罪經
  • Qua-da-giê-si-ma, mùa ăn chay cả 戈加支搓麻
  • Những điều ngắm trong những ngày lễ trọng quyển chi nhất
  • Sách gương phúc gương tội (mất)
  • Kinh đọc sớm tối (mất)

Philipphê Bỉnh cho biết rằng Maiorica cũng tham gia một dự án để dịch các kinh nguyện của thánh lễ sang tiếng Việt.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Girolamo_Maiorica http://gpcantho.com/Bai-Viet-Giao-Phan-Can-Tho-L%E... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb14574456q http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb14574456q http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/btv1b54100295f http://www.persee.fr/doc/outre_0300-9513_1998_num_... http://id.loc.gov/authorities/names/n2002065208 http://www.waccs.info/NFUpload/nfupload_down.php?t... http://www.dunglac.net/Baiviet1/Jesuits-01.htm http://loanbaotinmung.net/noidung/1023